Hệ thống
HyperLink
HyperLink
HyperLink
Đối tác
LIÊN HIỆP CÁC HỘI KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT VỚI NHIỆM VỤ TƯ VẤN, PHẢN BIỆN VÀ GIÁM ĐỊNH XÃ HỘI ThS. Lê Thanh Tùng, Ban TV,PB&GĐXH, LHHVN

 I.                  Căn cứ pháp lý

Hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam). Các căn cứ để thực hiện là:

Các Quy định của Đảng

-         Chỉ thị số 35 – CT/TW ngày 11/4/1988 của Ban Bí thư về củng cố tổ chức và đẩy mạnh hoạt động của Liên hiệp Hội Việt Nam (khi đó Liên hiệp Hội Việt Nam vẫn là một tổ chức hội quần chúng thì Ban Bí thư đã quy định chức năng phản biện và giám định xã hội cho Liên hiệp Hội Việt Nam);

-         Chỉ thị số 45 – CT/TW ngày 11/11/1998 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh hoạt động của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (lần đầu tiên khái niệm tư vấn, phản biện và giám định xã hội được nêu lên đầy đủ);

-         Chỉ thị số 42 CT/TW ngày 16/4/2010 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. (Đã quy định rõ nhiệm vụ cho Liên hiệp Hội Việt Nam:  “Đề xuất, tham mưu cho Đảng và Nhà nước những vấn đề lớn về đường lối, chủ trương, chính sách phát triển đất nước, nhất là về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, chính sách đối với trí thức v.v.  Chủ động tư vấn, phản biện và giám định xã hội trong quá trình xây dựng đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; các chương trình, dự án, đề án lớn về phát triển khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, kinh tế - xã hội trước khi cấp có thẩm quyền quyết định”. )

Các Quy định của Nhà nước

-         Chỉ thị số 14/2000/CT-TTg ngày 01/8/2000 của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai thực hiện các biện pháp nhằm đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam;

-         Quyết định số 22/2002/QĐ-TTg ngày 30/1/2002 của Thủ tướng Chính phủ về hoạt động tư vấn, phản  biện và giám định xã hội của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam;

-         Quyết định số 14/2014/QĐ-TTg ngày 14/2/2014 của Thủ tướng Chính phủ về hoạt động tư vấn, phản  biện và giám định xã hội của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Quyết định này thay thế cho Quyết định 22);

-         Thông tư 27/2003/TT-BTC ngày 01-4-2003 của Bộ Tài chính hướng dẫn cơ chế tài chính cho hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp các hội khoa học và kĩ thuật Việt Nam;

 

II.               Một số hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội nổi bật của Liên hiệp Hội Việt Nam

 

1.     Tư vấn, phản biện dự án thuỷ điện Sơn La;

2.     Phản biện chương trình xây dựng nhà máy điện hạt nhân;

3.     Đánh giá hiệu quả chương trình khai thác bauxit tại Tây nguyên;

4.     Tư vấn, phản biện Luật Thủ đô;

5.     Tư vấn, phản biện dự án “Quy hoạch hai bờ sông Hồng đọan qua Hà Nội”;

6.     Tư vấn, phản biện dự án “đường sắt cao tốc Bắc – Nam;

7.     Tư vấn, phản biện đề án “Quy hoạch thủ đô đến năm 2030 tầm nhìn 2050”;

8.     Phản biện báo cáo của Công ty Poiry về thủy điện Xayabury, Lào;

9.     Đánh giá sự cố thủy điện Sông Tranh 2;

10.  Góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992;

11. Tư vấn, phản biện dự án xây dựng sân bay Long Thành.

.............................

 

III.           Những thuận lợi và khó khăn khi thực hiện nhiệm vụ tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp Hội Việt Nam

 

1.     Thuận lợi

-   Được Đảng và Nhà nước quan tâm, tin tưởng đối với nhiệm vụ tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp Hội Việt Nam;

-   Có đội ngũ chuyên gia, các nhà khoa học rất đông đảo, tâm huyết và giỏi chuyên môn;

-   Có vị trí độc lập tương đối với các cơ quan nhà nước khác;

-   Có thời cơ thuận lợi.

Trong quá trình Đổi mới và hội nhập với thế giới, nhằm đáp ứng những đòi hỏi mới trong khi vẫn giữ ổn định cơ cấu tổ chức nhà nước hiện hành, nhu cầu tư vấn, phản biện và giám định xã hội xuất hiện và ngày càng mở rộng. Hoạt động này đã được sự hưởng ứng mạnh mẽ của các tổ chức xã hội cũng như của nhiều cơ quan nhà nước và nhiều tổ chức quốc tế. Trong khi đó, Liên hiệp Hội Việt Nam với thế mạnh là một tổ chức chính trị - xã hội của trí thức khoa học và công nghệ, tập hợp các chuyên gia giỏi đa ngành, đa lĩnh vực hoàn toàn có nhiều cơ hội và khả năng đáp ứng những đòi hỏi trên;

-    Những vấn đề Liên hiệp hội Việt Nam đưa ra để tư vấn, phản biện  thường là những vấn đề mới hoặc còn nhiều ý kiến khác nhau, thu hút sự chú ý của công luận. Hơn nữa, trong nhiều trường hợp đó là những vấn đề nhạy cảm cần sự trung thực và dám nói của các nhà khoa học. Đây cũng là một thuận lợi để giúp hoạt động tư vấn, phản biện của Liên hiệp Hội Việt Nam thành công.

 

2.     Khó khăn

-         Quan niệm nhà nước làm tất cả mọi việc và chỉ có các cơ quan nhà nước mới có thể làm tốt vẫn đang ngự trị ở không ít các cơ quan và các cá nhân khác nhau. Vì vậy, việc tiếp cận của Liên hiệp hội Việt Nam và các tổ chức thành viên trong việc thực hiện hoạt động tư vấn, phản biện gặp nhiều khó khăn, đồng thời cũng khiến cho khái niệm đánh giá độc lập bị hạn chế rất nhiều, đặc biệt là ở các cấp địa phương và các vùng sâu, vùng xa;

-         Việc tiếp cận thông tin bị hạn chế cũng như chất lượng thông tin không cao và trong nhiều trường hợp bị điều chỉnh khá nhiều khiến cho việc thu thập thông tin và đánh giá chính xác là rất khó khăn;

-         Các cơ quan nhà nước bị ảnh hưởng của bệnh thành tích nhiều, điều đó khiến cho hoạt động tư vấn, phản biện dễ bị coi là hoạt đông soi mói vào nội tình cơ quan đựơc đánh giá nên các cơ quan này thường không mặn mà với hoạt động tư vấn, phản biện và không phải lúc nào cũng có thái độ cởi mở tiếp thu với các kết quả tư vấn, phản biện;

-         Tuổi đời của đa số các cán bộ, chuyên gia thuộc hệ thống Liên hiệp hội hoặc quá cao, hoặc quá trẻ, điều này khiến cho năng lực làm việc bị hạn chế ít nhiều.

-         Kinh phí đầu tư cho hoạt động tư vấn, phản biện của Liên hiệp hội Việt Nam và các tổ chức thành viên thấp và không ổn định, cũng khiến cho việc trỉên khai các hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội khó đạt được thành công như mong muốn

-         Cơ chế tài chính còn phức tạp dẫn đến phần nào hạn chế các chuyên gia giỏi tham gia vào hoạt động tư vấn, phản biện của Liên hiệp Hội Việt Nam.

-         Việc kết nối các chuyên gia trong ngân hàng dữ liệu chuyên gia còn hạn chế./.

 

 

 

 

Lê Thanh Tùng-Bình Định
Số lượt đọc: 2252 - Ngày cập nhật: 09/01/2015
 Về trang trước    Bản in    Về đầu trang
Bài đã đăng:
TRANG CHỦ       GIỚI THIỆU       LIÊN HỆ
Designed by  Ninh Thuan Software